Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

KẸO Ú

Quê nghèo, nhưng mẹ đi chợ về, dưới bó rau lang dành cho heo, bao giờ cũng có một gói lá chuối, bọc trong đó là mấy cây kẹo ú... Vị đường ngọt chát, đăng đắng ngày nào như giấc mơ đầy hương hoa trẻ nhỏ, bây giờ chỉ còn như mảnh nhỏ xa xôi trong ký ức mù khơi.


Kẹo ú có lẽ là thứ kẹo rẻ tiền nhất. Nó được làm từ đường đen, cây kẹo to bằng ngón chân cái người lớn, ba đầu nhọn, có hình dạng như chiếc bánh ú. Không biết bây giờ còn mấy người biết cây kẹo ú ra sao? Để tôi tả lại vậy. Nó làm bằng đường đen (đường bát), thắng (nấu) cho đến khi đường tới (kẹo lại), để kẹo không bị lại cát (bị vữa) khi thắng kẹo người ta thêm vào một ít chất chua (có thể là chanh hoặc phèn chua), sau đó đổ ra thau nhôm quay trong nước lã (cho nhanh nguội) thành một mảng lớn, đem đánh lên một cây cột có mấu (thường làm bằng nhánh cây ổi) cho đến khi vắt được; mục đích của việc đánh kẹo là làm cho đường (đã thắng) từ màu đen chuyển dần thành màu vàng nhạc và cũng làm cho cây kẹo dòn hơn. Người ta kéo mảng kẹo dài ra và dùng dao phay để chấn (cũng có khi dùng kéo lớn để cắt). Sau khi mảng kẹo được thoa ít bột sắn cho khỏi dính; để tạo được hình giống bánh ú khi cắt kẹo phải cắt chéo (hình kim tự tháp). Việc thoa bột sắn là một công đoạn không thể thiếu trong quá trình làm kẹo ú, vì ngoài tác dụng chống dính nó còn là lớp áo bên ngoài bảo vệ cây kẹo không chảy nước khi tiếp xúc với không khí. Đơn giản vậy thôi, cây kẹo ú quê tôi được làm như vậy đó, cách chế biến rất đơn giản, kẹo còn giữ nguyên mùi thơm của đường mía. Đặc biệt, sau khi ăn vài cây kẹo ú với miếng dừa, ta uống một bát nước chè chín (phải là chè khô Tiên Phước) làm tăng thêm vị ngon đậm đà, vẻ mộc mạc thắm đượm tình quê. Nói đến cái ngon của cây kẹo ú mà không nhắc đến vị ngon của đầu đày (là phần đầu của phần kẹo được kéo dài ra trước khi cắt) là một thiếu sót, đây là phế phẩm (bỏ đi) vì khi cắt phần này không thể tạo hình giống bánh ú, nhưng đây là phần đặc biệt ngon vì lúc này kẹo còn mềm khi ăn vào có cảm giác mềm chứ không dòn như khi kẹo đã cứng. Bên cạnh kẹo ú, người ta thường hay làm kẹo mè kèm theo; vì kẹo mè không khác gì kẹo ú, mảng kẹo sau khi đánh xong, người ta không tẩm bột sắn kéo dài ra và cắt từng khúc nhỏ hình khối chữ nhật, nên cây kẹo mè dài và dẹp, cũng cứng, cũng ngọt thanh, nhưng bên ngoài được phủ lớp mè đã rang chín. Bây giờ sự ra đời của kẹo giấy gương, bánh hộp… lũ trẻ chẳng mơ màng chi kẹo ú, kẹo mè, thậm chí chúng không hề biết cây kẹo ú một thời là món quà quý giá của trẻ nhỏ. Niềm vui của lũ trẻ chúng tôi ngày xưa là được trông đợi mẹ đi chợ về, vì mỗi lần đi chợ về dưới bó rau lang dành cho heo, bao giờ cũng có một gói lá chuối (hoặc giấy vở cũ), bọc trong đó là mấy cây kẹo ú... Nhà nghèo, quê khó, nên quà cũng nghèo theo. Mà có biết gì thêm cho cam ngoài ba thứ kẹo vụn, nhưng lớn lên rồi, xa quê, lúc nằm nhớ lại, tha thiết nhớ. Cây kẹo ú chung thuỷ, thật thà. Vị đường ngọt thanh ngày nào như giấc mơ đầy hương hoa trẻ nhỏ, bây giờ chỉ còn như mảnh nhỏ xa xôi trong ký ức mù khơi. Làng Thanh Chiêm bây giờ không còn ai làm kẹo ú nữa. Vẫn biết rằng mỗi thời mỗi khác, cuộc sống phát triển, nhu cầu về cái ăn, cái mặc cũng thay đổi theo; nhưng tôi vẫn ước ao có ai đó hoài niệm với quê hương, khôi phục lại những món ăn dân dã ấy để cho trẻ con bây giờ có niềm vui như lũ trẻ chúng tôi ngày xưa là được trông đợi mẹ đi chợ về; và những người lớn xa quê khi về lại cố hương được ăn vài cây kẹo ú, kẹo mè để nhớ lại thời thơ ấu của mình./.